Mất hàng trăm triệu đồng sau một cuộc gọi
Ngày 10.7, Công an P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh (Tây Ninh) cho biết vừa tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà N. về việc nhận cuộc gọi giả danh công an đang điều tra và kết quả nạn nhân suýt bị mất 230 triệu đồng. Theo lời kể của nạn nhân, ngày 8.7 bà N. nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Bên kia đầu dây, một người đàn ông tự xưng là "cán bộ ở Bộ Công an" hỏi bà có quen biết như thế nào với một người tên Dũng ở TX.Hòa Thành, Tây Ninh. Bà N. khẳng định trong danh sách bạn hàng của bà không có ai tên này. Người đàn ông tiếp tục thông tin cho bà N. biết người tên Dũng trên đã bị bắt về tội rửa tiền và “mua bán á phiện xuyên quốc gia” có liên quan đến bà. Người này yêu cầu bà N. lấy CMND, sổ tiết kiệm, đến ngân hàng để đối chiếu. Đồng thời, bà N. phải trả lời các câu hỏi liên quan mà không được phép hỏi lại trong khi cung cấp thông tin "để điều tra" và yêu cầu tuyệt đối không được kể chuyện đang bị điều tra này cho bất kỳ ai. Nghĩ mình không làm gì có tội nên bà N. cung cấp đầy đủ thông tin cho đối tượng giả danh và đến ngân hàng để chuyển tiền. Tuy nhiên, trên đường đi, con trai bà N. điện thoại, nghe bà kể lại sự việc liền khuyên bà đến ngay Công an P.Ninh Thạnh để trình báo nên may mắn chưa chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Không may mắn như bà N., cuối tháng 6 vừa qua, bà P.T.N.Y (38 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bị nhóm lừa đảo gọi điện dọa nạt vì liên quan đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Quá lo sợ nên bà Y. đến ngân hàng chuyển 126 triệu đồng vào tài khoản của chúng. Sau khi về nhà, bà Y. nghi bị lừa nên quay lại chi nhánh ngân hàng trên nhờ ngăn chặn nhưng số tiền đã chuyển vào tài khoản không lấy lại được.
Tương tự, Công an TP.Đà Lạt vào đầu tháng 6 cũng thông tin một nạn nhân là bà B.T.L (ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bị những người lừa đảo giả danh cán bộ công an dọa nạt, uy hiếp qua điện thoại, buộc phải chuyển số tiền 500 triệu đồng và được ngân hàng ngăn chặn kịp thời.
Cảnh giác với cuộc gọi lạ, đầu số lạ
Để tránh bị lừa, nhà mạng VNPT đưa ra các dấu hiệu khách hàng có thể nhận biết cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo qua một số dấu hiệu như các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu nhưng hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước VN). Các cuộc gọi này xuất hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn với nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại; tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại. Đối với các cuộc gọi mang tính đe dọa và yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra thì tuyệt đối không thực hiện theo bất cứ yêu cầu nào.
Bên cạnh việc mạo danh công an, ngân hàng thì một số cuộc gọi điện thoại từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226), bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Công ty đào tạo an ninh mạng Athena, nhận định tất cả vụ lừa đảo qua điện thoại hay qua mạng, email... cho thấy những kẻ lừa đảo đều nắm được thông tin về đối tượng bị lừa. Từ đó đã có sự phân tích, tổng hợp và kể cả tính toán về yếu tố tâm lý để thực hiện lừa đảo. Đa số những người bị lừa đều có tiền sẵn trong tài khoản, có vướng mắc trong gia đình hay công việc nên nghe hù dọa sẽ sợ. Còn với những người bị lừa nhận được quà thưởng, bưu kiện từ nước ngoài... là họ đang đánh vào lòng tham của một số nạn nhân và cũng thành công. Hơn nữa, đây cũng là những nhóm người có hiểu biết về công nghệ nên dễ dàng sử dụng cuộc gọi ảo, không để lại dấu vết số điện thoại
0 Nhận xét